Hoàn thành chương trình đào tạo đặc biệt, 48 bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes - Được đào tạo theo cách “cầm tay chỉ việc”, các bác sĩ trẻ sẽ triển khai kỹ thuật mới, giúp người dân vùng khó khăn được khám, chữa bệnh chất lượng cao, góp phần giảm tải cho tuyến trên.

vt-ban-giaoa-5153.jpeg
48 bác sĩ chuyên khoa 1 vừa tốt nghiệp được bàn giao về các huyện khó khăn của 8 tỉnh miền núi.

5 năm trước, sau khi được đào tạo bác sĩ chuyên khoa theo Dự án thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng cao, biên giới, hải đảo, vùng khó khăn (gọi tắt là Dự án 585) của Bộ Y tế, bác sĩ chuyên khoa 1 Sùng Seo Toả trở về Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương (Lào Cai) công tác.

Với kiến thức được đào theo chương trình đặc biệt tại Trường Đại học Y Hà Nội, bác sĩ Toả đã góp phần tạo nên những thay đổi to lớn trong việc chăm sóc y tế ở một trong 62 huyện khó khăn nhất cả nước.

Việc trong 5 năm qua, bác sĩ Toả phẫu thuật hơn 2.700 ca (trung bình mỗi ngày mổ gần 2 ca)đã khiến những người có mặt tại lễ bàn giao bác sĩ chuyên khoa 1 cho các huyện khó khăn phải ngưỡng mộ. Con số thống kê cho thấy nhiều người dân đã được cứu chữa kịp thời, được hưởng các kỹ thuật y khoa mới ngay tại địa phương mà không phải chuyển tuyến như trước.

Cũng nhờ được đào tạo sâu, tay nghề vững vàng, bác sĩ Toả đã triển khai nhiều dịch vụ kỹ thuật tại BVĐK huyện Mường Khương như: phẫu thuật cấp cứu lấy thai, mổ cắt tử cung, phẫu thuật nội soi cấp cứu chửa ngoài tử cung, bóc u buồng trứng, nội soi triệt sản; cắt ruột thừa viêm, phụ mổ xương khớp, cấp cứu ổ bụng…. Đặc biệt, anh còn đào tạo, hướng dẫn các bác sĩ trẻ thực hiện các kỹ thuật này.

Trong số những ca bệnh hiểm nghèo đã cứu sống, bác sĩ Toả vẫn nhớ trường hợp sản phụ 39 tuổi. Do phong tục người Mông nên sản phụ đẻ tại nhà, do chồng đỡ. Nhưng nhau thai không bong, máu chảy ồ ạt, phải đưa về BVĐK Mường Khương cách đó 30 km. Thấy bệnh nhân bị sốc vì mất máu, bác sĩ Toả lập tức cùng lãnh đạo BV kêu gọi cán bộ các đơn vị trên địa bàn tham gia hiến máu cho người bệnh, đồng thời hội chẩn, mổ cấp cứu cắt tử cung, cứu sống bệnh nhân trong gang tấc.

vt-bs-toa-5214.jpg
Bác sĩ chuyên khoa 1 Sùng Seo Toả khám bệnh tại huyện Mường Khương (ảnh: NVCC)

Ông Phạm Văn Tác - Phó chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia - người gắn bó nhiều năm với Dự án 585 - cho biết từ năm 2013, dự án ưu tiên 62 huyện nghèo nhằm đảm bảo tính bền vững nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân ở các vùng khó khăn, để người nghèo, người dân ở đây được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng, hạn chế chuyển tuyến điều trị, góp phần giảm tải cho tuyến trên, tránh lãng phí cho người dân

Bác sĩ chuyên khoa thuộc Dự án 585 được đào tạo rất đặc thù, trở thành lực lượng quan trọng triển khai nhiều kỹ thuật mới, góp phần cứu chữa kịp thời cho bệnh nhân ở các vùng cao, vùng khó khăn, biên giới, tạo được uy tín, để vận động bà con dân tộc ít người bỏ những hủ tục, khi có bệnh tật, sinh nở thì đến bệnh viện; hiến máu cứu người.

Sau giai đoạn 1 thành công với sự hỗ trợ của Ngân hàng thế giới, giai đoạn 2 của Dự án 585 được Quỹ Thiện Tâm tiếp tục hỗ trợ từ năm 2021 với 100 - 200 chỉ tiêu đào tạo bác sĩ chuyên khoa 1 cho các huyện khó khăn.

vt-trao-giay-khen-929.jpg
Lãnh đạo Trường Đại học Y Hà Nội cùng đại diện Quỹ Thiện tâm tặng giấy khen cho các tân bác sĩ chuyên khoa 1 có thành tích trong quá trình học tập.

Chia sẻ với VietTimes, GS. Tạ Thành Văn - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Trường Đại học Y Hà Nội - cho biết ngay từ đầu, ông đã ủng hộ việc xây dựng chương trình riêng cho Dự án 585, vì việc đào tạo có địa chỉ cụ thể, vị trí việc làm theo nhu cầu xã hội, nên tiết kiệm nguồn nhân lực cho xã hội. Học viên xác định rõ ràng tương lai làm việc và sẽ phải độc lập “tác chiến” nên có động cơ học thực chất.

Ngoài ra, phương pháp học một thầy một trò, “cầm tay chỉ việc” đã tạo mối quan hệ thân thiết giữa học viên và giảng viên, để bác sĩ không chỉ được truyền nghề tốt nhất, mà còn được hỗ trợ về chuyên môn trong suốt cuộc đời làm nghề.

Để tạo công bằng trong chăm sóc y tế cho người dân vùng cao, vùng biên giới, hải đảo, vùng khó khăn, GS. Văn cho rằng cần triển khai dự án này lâu dài. "Đây là vấn đề quốc gia nên không thể phụ thuộc vào tiền của tư nhân, mà cần được ngân sách nhà nước tài trợ. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo ký kết hợp đồng với các tỉnh, để cán bộ y tế ở các vùng đó được đi học bằng ngân sách của tỉnh, dựa trên việc tính toán mỗi năm địa phương cần bao nhiêu bác sĩ, ở những chuyên khoa nào, để đào tạo có địa chỉ cụ thể, tiết kiệm tiền của, công sức", Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y Hà Nội nói.

vt-ha-giang-7191.jpg
Lãnh đạo tỉnh Hà Giang đón nhận bác sĩ chuyên khoa 1 về công tác

Tại lễ trao bằng tốt nghiệp, Trường Đại học Y Hà Nội đã bàn giao 48 bác sĩ chuyên khoa 1 của Dự án 585 cho đại diện các tỉnh: Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Nghệ An, Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng và Thanh Hóa. Các bác sỹ trẻ tốt nghiệp lần này (có 38 bác sỹ là người dân tộc Tày, Nùng, Thái, H’ Mông và Tày) thuộc 10 chuyên ngành: Chẩn đoán hình ảnh, Gây mê hồi sức, Hồi sức cấp cứu, Nội, Ngoại, Nhi, Xét nghiệm, Sản, Truyền nhiễm và Y học.

Các bác sĩ sẽ tình nguyện công tác về 32 huyện nghèo thuộc 8 tỉnh trên. Đến nay, với 16 khóa bác sỹ trẻ đã tốt nghiệp (15 khoá đã bàn giao ở giai đoạn 1) Dự án 585 đã bàn giao 402 bác sỹ cho 94 huyện khó khăn, biên giới thuộc 22 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.